Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất giấy tại Việt Nam rất quan tâm tới việc giảm năng lượng trong quá trình sản xuất giấy, đặc biệt là trong bối cảnh năng lượng điện không đủ để cung cấp cho sản xuất. Công đoạn nghiền bột giấy trong quá trình sản xuất giấy sử dụng năng lượng điện và chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Việc giảm năng lượng trong quá trình nghiền bột giấy sẽ có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, không những làm giảm được giá thành sản phẩm mà còn làm giảm được tiêu thụ điện của ngành giấy. Do vậy, việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học như sử dụng chế phẩm sinh học có khả năng làm giảm năng lượng nghiền sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất sản xuất giấy, giảm giá thành, tăng lợi nhuận và tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Mặt khác, việc nghiên cứu sản xuất chế phẩm trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn đầu vào, phù hợp về giá thành. Vì thế, nhóm nghiên cứu của KS. Trần Hoài Nam tại Viện công nghiệp giấy và xenluylô đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue” trong thời gian từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2020.
Mục tiêu của đề tài là nhằm xây dựng được quy trình công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt; quy trình công nghệ ứng dụng chế phẩm enzyme trợ nghiền trên dây chuyền sản xuất giấy tissue công suất >3.000 tấn/năm, thử nghiệm trên dây chuyền sản xuất thực tế. Bằng phương pháp tổng hợp số liệu, tìm hiểu về thị trường, khảo sát thực tế tại một số công ty, doanh nghiệp kết hợp với phương pháp thực nghiệm phổ biến, sản xuất thử nghiệm chế phẩm enzyme trợ nghiền và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue.
Đề tài đã đạt được một số kết quả như sau:
1. Đã xây dựng được Quy trình công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền (gồm enzyme cellulase, xylanase) từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt quy mô phòng thí nghiệm, quy mô 50 kg/mẻ.
2. Đã xây dựng và ban hành Quy trình công nghệ ứng dụng enzyme trợ nghiền quy mô phòng thí nghiện, đồng thời hiệu chỉnh và áp dụng quy trình trên dây chuyền sản xuất giấy tissue quy mô 10.500 tấn/năm.
3. Đã xây dựng được 1 bộ mô hình thiết bị (bản vẽ thiết kế) tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền (gồm enzyme cellulase, xylanase) từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt quy mô pilot 50 kg/mẻ.
4. Đã tiến hành ứng dụng thử nghiệm được 37,862 tấn giấy tissue có ứng dụng chế phẩm enzyme trợ nghiền đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hiệu quả của việc ứng dụng enzyme trợ nghiền cụ thể như sau:
- Giảm 10,8% điện năng tiêu thụ trong công đoạn nghiền (từ 163,17 kWh/tấn sản phẩm xuống 145,54 kWh/tấn sản phẩm).
- Vận tốc máy xeo trung bình đạt 841,75 m/phút (khi không sử dụng chế phẩm enzyme trợ nghiền đạt trung bình 801 m/phút) tương đương tăng tốc độ máy xeo khoảng 5,09 %.
- Cải thiện tốc độ thoát nước của bột giấy trung bình từ 6,74 ml/phút lên 8,35 ml/phút.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở tiền đề cho các doanh nghiệp sản xuất giấy tissue nói riêng, sản xuất giấy nói chung phát triển và ứng dụng, đầu tư công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất, phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn tại Việt Nam. Đồng thời tiếp cận các nghiên cứu khoa học tiên tiến góp phần đáng kể vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18676/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Nguồn Vista.
Tin bài khác