Ba kích (Morinda officinalis) là dược liệu được sử dụng phổ biến, được biết đến với các tác dụng: bổ thân, tráng dương, mạnh gân cốt, tăng lực, tăng sức đề kháng, chống viêm, hay có tác dụng trên hệ nội tiết... Qua tìm hiểu, nhóm tác giả nhận thấy việc nghiên cứu nhằm nâng cao giá trị sử dụng và nâng cao chất lượng làm thuốc của dược liệu Ba kích xuất phát từ đòi hỏi của ngành và nhu cầu thực tiễn cũng như tiềm năng của dược liệu ở nước ta.
PGS.TS. Trần Việt Hùng cùng các cộng sự tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học, tạo chế phẩm có tác dụng sinh học của rễ Ba kích Việt Nam (Radix Morinda officinalis)” từ năm 2016 đến năm 2019.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: chiết xuất và phân lập 2 chất trong dược liệu Ba kích làm chất chuẩn; xây dựng quy trình bào chế cao khô Ba kích; và đánh giá tác dụng sinh học của cao khô Ba kích.
Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng của các chất chuẩn: monotropein và nystose. Tiến hành thẩm định phương pháp định tính và định lượng monotropein bằng phương pháp HPLC-DAD, định tính và định lượng nystose bằng phương pháp HPLCELSD có độ đặc hiệu tốt, khoảng tuyến tính xây dựng có sự tương quan tuyến tính chặt chẽ giữa nồng độ dung dịch và diện tích pic; phương pháp xây dựng có độ lặp lại và độ chính xác đạt yêu cầu; độ đúng của phương pháp xây dựng có tỷ lệ thu hồi cao.
- Đánh giá chất lượng 2 nguyên liệu monotropein và nystose sau chiết xuất phân lập theo tiêu chuẩn chất lượng đã xây dựng. Hàm lượng monotropein là: 98,06%, nystose là: 97,59%.
- Thiết lập 2 chất chuẩn monotropein và nystose, hàm lượng chất chuẩn công bố được đánh giá là giá trị trung bình của 16 thử nghiệm bao gồm (10 thử nghiệm đánh giá đồng nhất lô và 06 thử nghiệm kiểm tra liên phòng). 2 chất chuẩn thu được:
+ Monotropein: 56 lọ, mỗi lọ 20 mg, hàm lượng: 98,58 % (Nguyên trạng).
+ Nystose: 55 lọ, mỗi lọ 20 mg, hàm lượng: 98,01 % (Nguyên trạng).
- Xây dựng được quy trình thử độc tính cấp và bán trường diễn của cao khô Ba kích từ việc khảo sát các yếu tố: đường dùng, thể tích uống, số lần uống, dung môi hòa tan, bước nhảy liều (đối với độc tính cấp), đường dùng, thể tích uống, thời gian uống, liều dùng, thời điểm xác định các thông số, các thông số theo dõi, quan sát đại thể vi thể (đối với bán trường diễn). Tiến hành đánh giá độc tính của cao khô Ba kích trên quy trình đã xây dựng.
- Xây dựng được mô hình nghiên cứu: đường dùng, dung môi hòa tan, thể tích cho uống, số lần uống, liều dùng. Kết quả đánh giá dựa trên khả năng vận động (quãng đường vận động, thời gian vận động, chức năng giao tiếp với chuột cái (tần suất, thời gian).
- Tiến hành khảo nghiệm tiêu chuẩn dược liệu Ba kích trên 5 mẫu nghiên cứu thu hái tại các địa điểm khác nhau ttrong cả nước.
- Đã xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho cao khô Ba kích dựa trên tiêu chuẩn cơ sở của cao trong đó các chỉ tiêu chất lượng chung của cao khô đáp ứng quy định của Dược điển Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18286/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Nguồn Vista.
Tin bài khác