Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS)

04/03/2020

Hóa chất được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực xã hội. Chúng ta sử dụng hóa chất để làm ra các đặc tính của sản phẩm. Mọi người tiếp xúc với hóa chất tại nơi làm việc, tại nhà và qua môi trường. Sự tiếp xúc xảy ra do sản xuất, sử dụng và xử lý rác thải.

GHS là gì?

Hệ thống hài hoà toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hoá chất – Globally Harmonizied System of Classification and Labeling of Chemicals (sau đây gọi tắt là GHS) là hệ thống hướng dẫn phân loại và ghi nhãn hoá chất của Liên hợp quốc trên toàn cầu.

Nhãn hóa chất là bản viết, bản in, bản vẽ của chữ, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu được in chìm, in nổi trực tiếp hoặc được dán, đính, gắn chắc chắn trên bao bì thương phẩm để thể hiện các thông tin cần thiết và chủ yếu về hóa chất giúp người sử dụng biết và làm căn cứ để các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát, quản lý.

Ghi nhãn hóa chất là việc thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hóa chất lên nhãn hóa chất để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Sử dụng hóa chất trong các lĩnh vực xã hội

Việc sản xuất hóa chất trên thế giới ngày càng tăng với tốc độ rất nhanh. Nhiều hóa chất gây hại đến sức khỏe con người và môi trường. Hóa chất có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai, người già và trẻ em. Một khảo sát về lao động trẻ em tại các quốc gia đang phát triển đã chỉ ra hơn 60% các lao động trẻ em tiếp xúc với các hóa chất và hơn 25% trong số này gặp nguy hại tiếp xúc với các hóa chất (World Bank).

Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất
Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất

Việc kiểm soát các hóa chất có thể cứu tính mạng con người, môi trường và tiết kiệm tiền bạc. Chính vì tầm quan trọng của ảnh hưởng hóa chất, chúng ta cần đặt mục tiêu quản lý rủi ro hóa chất. Trước hết là nhận biệt các đặc tính nguy hiểm của các hóa chất bằng cách kiểm tra, tìm kiếm dữ liệu, đánh giá rủi ro mức độ nguy hiểm từ đó thông tin cho người sử dụng về những rủi ro và phương thức sử dụng an toàn thông qua các hình thức phân loại, dán nhãn, SDS (Safety data sheet – phiếu an toàn),…từ đó đánh giá các rủi ro và đưa ra các biện pháp giảm nguy cơ rủi ro trong quá trình sử dụng và xử lý khác.

Ghi nhãn và phiếu an toàn

Các sản phẩm hóa chất nhất thiết cần phải được yêu cầu có phiếu an toàn và nhãn hóa chất, trong đó các cảnh báo về an toàn hóa chất phải thể hiện rõ bằng các quy ước Quốc tế.

Phiếu an toàn là mẫu phiếu với các số liệu liên quan đến tính chất của hóa chất, bao gồm các thông tin như số liệu về vật lý, độ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt tính, lưu trữ, xử lý, thiết bị bảo vệ và thủ tục xử lý. Phiếu an toàn này có ý nghĩa đối với các công nhân, người trực tiếp tiếp xúc tại nơi làm việc, những đối tượng cần biết các phương pháp lưu trữ hoặc nhiệm vụ ứng phó khẩn cấp. Phiếu an toàn trong nhiều trường hợp không có ý nghĩa với người tiêu dùng vì SDS phản ánh độc hại của các vật liệu trong công việc. Ví dụ : SDS của chì (Pb-St) có sử dụng như là một chất ổn định trong một số sản phẩm nhựa như tole, ván hay màng mỏng có ý nghĩa đối với người công nhân pha chế tiếp xúc với nó 40 giờ 1 tuần chứ không có ý nghĩa với người tiêu dùng chỉ tiếp xúc gián tiếp.

Bên cạnh phiếu SDS, nhãn hàng hóa chất đóng vai trò quan trọng trong việc cảnh báo và nhận dạng. Nhãn hàng hóa là công cụ cung cấp thông tin nguy hại của hóa chất bao gồm hướng dẫn sử dụng an toàn, thể hiện mọi khả năng nguy hại của hóa chất: nguy hại sức khỏe, môi trường và vật lý. Trên nhãn có kèm theo quy ước về các hình đồ cảnh báo.

Theo GHS (Hệ thống hài hòa toàn cầu, tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc), trên nhãn hàng hóa, ngoài tên địa chỉ và số điện thoại nhà cung cấp và nhận dạng sản phẩm ( tên thương mại và nhận dạng của mọi thành phần) là các hình đồ cảnh báo nguy hại, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ, phương pháp phòng ngừa,…

Các loại hoá chất được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực của xã hội, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong sản xuất công nghiệp, chính vì vậy, cần có thông tin cho người sử dụng về những rủi ro cũng như mức độ an toàn cho từng loại. Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hoá chất (GHS) là phương thức tiếp cận thống nhất, mạch lạc, dễ hiểu và phân loại các đặc tính nguy hại của hoá chất và cách ghi thông tin trao đổi trên nhãn. 

GHS có vai trò quan trọng là đưa ra các tiêu chí thống nhất, qua đó hình thành chuẩn mực chung trong đánh giá và phân loại hoá chất và hỗn hợp hoá chất. GHS cũng cung cấp những biểu trưng nguy hại và những cảnh báo thống nhất trong mô tả hoá chất như những hướng dẫn phòng ngừa thống nhất đối với các bên liên quan, qua đó, tạo ra sự nhận thức chung chuẩn mực, đồng đều trên toàn cầu.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận GHS từ năm 2003 và từ đó đến nay, được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức chính phủ các nước, nhận thức GHS của Việt Nam đã được nâng cao rõ rệt. Luật Hoá chất của Việt Nam có hiệu lực từ 01/7/2008, đã đề cập đến việc áp dụng GHS và khẳng định Việt Nam có đầy dủ các điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện GHS.