Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Dấu hiệu, triệu chứng cơ thể bạn đang thiếu Vitamin cần thiết

27/09/2022

Đôi khi chúng ta bỗng nhiên bị rụng tóc, chảy máu cam, giảm cân, chán ăn, mệt mỏi… Đó có thể là những triệu chứng khi cơ thể của bạn đang thiếu một loại vitamin nào đó. Hãy cùng Vinalab tìm hiểu thiếu Vitamin là gì trong bài viết sau.

Nguồn gốc của vitamin là gì?

Theo TS. BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, vitamin là những chất hữu cơ rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Nếu cơ thể bị thiếu vitamin lâu ngày, sức khỏe sẽ suy yếu và phát sinh bệnh tật.

Thông tin về nguồn gốc vitamin, TS. BS Trương Hồng Sơn cho biết: Vitamin được biết đến từ năm 1905 khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sữa đã cho rằng trong sữa có "một số chất không được công nhận với số lượng rất nhỏ, cần thiết cho sự tăng trưởng và nuôi dưỡng bình thường’’.

Năm 1912, trong khi đang nghiên cứu gạo, nhà nghiên cứu Casimir Funk đã tách một "yếu tố" hữu cơ mà ông miêu tả là amin (giống như axit amin). Bởi vì nó rất quan trọng với cuộc sống, nên ông kết hợp hai từ lại, cho ra thuật ngữ vitamin.

Nguồn gốc của vitamin là gì?
Nhà nghiên cứu Casimir Funk

Tầm quan trọng của vitamin

TS. BS Trương Hồng Sơn cho biết: Vitamin là những chất hữu cơ giúp duy trì sức khỏe và có vai trò trong việc điều hành chức năng của các cơ quan. Có 13 loại vitamin: Vitamin A, C, D, E, K, B1, B2, B3 (PP), B5, B6, B12, Folacin (B9) và biotin (B8).

Vitamin được chia làm hai nhóm: Nhóm hòa tan trong chất béo gồm các vitamin A, D, E, và K. Nhóm hòa tan trong nước gồm vitamin C và các vitamin nhóm B.

Phần lớn vitamin rất dễ bị huỷ hoại bởi nhiệt độ và ánh sáng, vì vậy cần bảo quản thực phẩm bằng ướp lạnh, tránh nhiệt độ cao và ánh sáng mạnh.

Vitamin có vai trò quan trọng đối với sự sống như: Tham gia cấu tạo tế bào, điều hòa hoạt động của tim và hệ thần kinh, tăng cường thị lực của mắt, tham gia chuyển hóa thức ăn thành năng lượng...

Tầm quan trọng của vitamin

Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu vitamin

Trong cuộc sống thường ngày, có những thời điểm cơ thể có những dấu hiệu lạ: Tóc khô, rụng, lợi sưng, chảy máu, viêm da, giảm cân, khô mắt, quáng gà, chán ăn, mệt mỏi… đó có thể là những triệu chứng khi cơ thể thiếu các loại vitamin: A, B, C, E, B12, B1… Hoặc cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý toàn thân khác.

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, tránh thiếu hụt các loại vitamin cho cơ thể, chúng ta cần đảm bảo chế độ ăn uống khoa học với đầy đủ các nhóm chất đạm, chất béo, chất khoáng, rau xanh, hoa quả…

Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, cơ thể không có khả năng tổng hợp được vitamin nên việc bổ sung sẽ thông qua các thực phẩm thiết yếu hàng ngày. Việc nhận biết cơ thể thiếu hụt vitamin hay không là không đơn giản. Để biết được chính xác cơ thể bạn thiếu hụt loại vitamin nào với mức độ ra sao, chỉ có một cách duy nhất là thực hiện các xét nghiệm.

Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến giúp bạn nhận biết cơ thể mình có thể đang bị thiếu vitamin cùng với biện pháp khắc phục. Nếu có các biểu hiện này, bạn hãy gặp các bác sĩ để khám kiểm tra và làm các xét nghiệm cần thiết.

Trong trường hợp chế độ ăn uống không đáp ứng đủ lượng vitamin, bạn nên gặp các bác sĩ để khám và làm các xét nghiệm cần thiết, không tự ý bổ sung các loại vitamin tổng hợp mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu vitamin

1. Thiếu Vitamin A gây các bệnh về mắt, bệnh ngoài da

1.1. Thiếu vitamin A gây ra các bệnh nguy hiểm về mắt

Vitamin A là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ mắt. Tăng cường sức khỏe ở niêm mạc và giác mạc. Đồng thời, chống lại các bệnh nhiễm trùng do các loại vi khuẩn hoặc virus gây ra. Vitamin A có vai trò quan trọng đối với việc nâng đỡ cấu trúc của tế bào biểu mô tuyến lệ, bảo vệ màng tế bào trước tình trạng thiếu oxy và các tổn thương ở gốc tự do.

Vitamin A sẽ tham gia trực tiếp vào các phản ứng ở tế bào que và nón ở võng mạc. Chất này còn giúp tạo sắc tố của võng mạc để điều tiết mắt và hỗ trợ mắt nhìn tốt hơn trong môi trường thiếu ánh sáng.

Vitamin A cũng là thành phần cấu tạo và giúp màn nước mắt dính được vào bề mặt giác mạc. Nếu thiếu Vitamin A, cơ thể người sẽ mắc nhiều bệnh liên quan đến mắt như quáng gà, tăng sản sinh các tế bào vảy gây sừng hóa bề mặt, làm tổn thương và mất ổn định màn nước mắt từ đó gây khô mắt.

Khô mắt lâu ngày có thể gây ra viêm kết mạc (nhẹ, không cần gặp bác sĩ) và bệnh viêm giác mạc. Trong đó, viêm giác mạc lâu ngày sẽ biến chứng thành sẹo giác mạc gây mờ mắt tạm thời hoặc mù mắt vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

1.2. Thiếu vitamin A trẻ nhỏ dễ mắc nhiều bệnh

Vitamin A có vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ như tăng trưởng chiều cao, tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường thị lực...

Nếu thiếu hụt vitamin A thường xuyên mệt mỏi, kém ăn, chậm phát triển, da khô và tóc rụng nhiều. Hệ miễn dịch và sức đề kháng yếu nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và da.

Triệu chứng rõ rệt là quáng gà ở trẻ nhỏ: Đây là tình trạng giảm thị lực khi gặp điều kiện thiếu ánh sáng. Vào lúc chiều tối trẻ em thường trở nên nhút nhát, ngồi yên 1 chỗ, không dám đi lại hay chơi đùa. Trẻ thường phải lần theo tường khi đi hoặc đi lại hay bị vấp ngã, trẻ không tìm được đồ chơi và không cầm đúng thức ăn mà mẹ đưa cho. Ngoài ra, còn các triệu chứng khác do thiếu hụt vitamin A như khô giác mạc, khô màng tiếp hợp, kết mạc mắt sừng hóa, biến dạng... Trường hợp thiếu vitamin A nặng có thể gây nhuyễn giác mạc, loét giác mạc và mù lòa mắt.

1.3. Thiếu vitamin A dễ mắc bệnh ngoài da

Vitamin A giúp duy trì độ ẩm của da, bảo vệ da chống lại xâm nhập của vi khuẩn. Loại bỏ các tế bào da chết trên bề mặt da. Giúp loại bỏ các nhiễm trùng trên da, chống lại tình trạng khô và tróc vảy trên da. Giúp máu lưu thông được tới bề mặt da cho da được nuôi dưỡng đầy đủ dưỡng chất từ đó cho chúng ta làn da hồng hào, tươi khỏe.

Thiếu vitamin A sẽ làm cho da bị nhiễm khuẩn gây ngứa, khô, tróc vảy, da sần sùi, các tuyến nhờn ít hoạt động. Ngoài các bệnh về mắt, trẻ dễ mắc nhiều bệnh, hay các bệnh về da. Thiếu hụt vitamin A còn gây xơ gan hoặc ứ mật mãn tính do vitamin A có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của gan, giúp gan khỏe mạnh và thải độc tốt.

Vitamin a

2. Thiếu Vitamin B gây tê bì, đau các chi, lở loét

2.1. Loét, lở miệng do thiếu vitamin nhóm B

Thiếu Vitamin B2: Dễ bị loét miệng, lở môi, mệt mỏi, tóc khô...

Bạn nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin B2 như rau xanh sẫm, sữa, thịt, cá, trong lớp vỏ cám mầm của ngũ cốc.

2.2. Cảm giác nóng rát, ngứa và tê bì ở đầu chi

Cơ thể bạn có thể đang thiếu vitamin nhóm B (B6, B9 và B12).

Cảm giác nóng rát, ngứa và tê bì ở đầu chi là dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang thiếu vitamin nhóm B.

Chú ý quan trọng: Thiếu vitamin nhóm B có thể ảnh hưởng đến đầu các dây thần kinh ở dưới da. Ngoài ra, trầm cảm, mệt mỏi, kiệt sức, thiếu máu và mất cân bằng hormone cũng sẽ gây ra những triệu chứng tương tự.

Bạn nên ăn bổ sung măng tây, rau bina, các loại rau có lá xanh đậm, trứng và hải sản.

2.3. Thiếu vitamin nhóm B gây chuột rút và đau ở cẳng chân, bàn chân

Bạn nên ăn thêm nhiều chuối, bông cải xanh, cải bắp, rau bina, bưởi, khoai tây ngọt. Ngoài ra có thể ăn chuối, lê, nước dừa, hạnh nhân, bí ngô, táo, hạt dẻ

Chú ý quan trọng: Lượng các loại vitamin trên sẽ bị ảnh hưởng khi bạn bắt đầu luyện tập. Việc ra mồ hôi nhiều sẽ làm mất đi các chất điện giải kèm theo các vitamin tan trong nước. Nhưng đừng vì thế mà ngưng luyện tập. Bạn hãy ăn bổ sung các loại thực phẩm để bù lại lượng vitamin đã mất.

2.3. Ăn không tiêu, tiêu chảy

Cơ thể bạn có thể đang thiếu vitamin B1 với triệu chứng: Ăn không tiêu, tiêu chảy, tuần hoàn kém, lo lắng.

Các loại thực phẩm giàu vitamin B1 là: hạt ngũ cốc, lúa mì, yến mạch, thịt, gan, tim.

Vitamin nhóm B

3. Dấu hiệu cơ thể đang thiếu vitamin C

Tăng cân không rõ nguyên nhân bởi vì vitamin C giúp đốt cháy chất béo.

Xuất huyết dưới da, xuất huyết khớp do tổn thương collagen dẫn đến suy yếu các mao mạch, có thể bị chảy máu kết mạc mắt, cơ thể dễ bị bầm tím.

Bị viêm lợi, chảy máu chân răng dẫn đến viêm chân răng.

Phụ nữ hành kinh ra nhiều máu hơn bình thường, có thể bị rong kinh.

Dễ bị cảm lạnh, viêm họng, sốt... do khả năng chống oxy hóa và bảo vệ các tế bào miễn dịch bị giảm sút do thiếu vitamin C.

Tác dụng chống oxy hóa bị giảm sút khiến da bị khô, dễ cháy nắng, xỉn màu và hình thành nếp nhăn.

Thường xuyên gặp phải tình trạng chảy máu cam do mạch máu nhỏ nằm bên trong mũi bị vỡ.

Vitamin C

4. Thiếu vitamin D làm suy giảm hệ miễn dịch

4.1. Thường xuyên ốm hoặc bị nhiễm bệnh

Một trong những vai trò quan trọng nhất của vitamin D là giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh để có thể chống lại virus và vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, dấu hiệu nhận biết thiếu vitamin D phổ biến nhất là tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc nhiễm trùng.

Vitamin D tương tác trực tiếp với các tế bào chịu trách nhiệm chống nhiễm trùng. Nếu thường xuyên bị bệnh, đặc biệt là bị cảm lạnh hoặc cúm, tức là nồng độ vitamin D thấp sẽ là một trong những yếu tố góp phần gây bệnh.

Một số nghiên cứu quan sát lớn đã chỉ ra mối quan hệ giữa thiếu hụt vitamin D và nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, viêm phế quản, và viêm phổi. Hay nghiên cứu khác cũng đã chứng minh rằng bổ sung vitamin D liều lên tới 4,000 IU/ngày có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. Hoặc một nghiên cứu khác ở những người mắc chứng rối loạn phổi mãn tính (COPD), chỉ những người bị thiếu vitamin D nghiêm trọng sẽ cho kết quả tốt sau khi can thiệp sử dụng bổ sung liều cao trong một năm.

4.2. Mệt mỏi

Cảm thấy mệt mỏi có nhiều nguyên nhân và thiếu vitamin D có thể là một trong số đó. Các nghiên cứu trường hợp đã chỉ ra rằng nồng độ vitamin D trong máu thấp có thể gây ra mệt mỏi ảnh hưởng tiêu cực hoặc nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Trong một nghiên cứu trường hợp, phụ nữ phàn nàn về mệt mỏi và đau đầu kinh niên vào ban ngày. Sau khi kiểm tra phát hiện nồng độ vitamin D trong máu chỉ 5,9ng/ml. Đây là con số cực kỳ thấp. Và khi bổ sung vitamin D, thì nồng độ tăng lên 39ng/ml và các triệu chứng của bệnh đã được giải quyết. Hoặc trong một nghiên cứu quan sát lớn khác đã xem xét mối liên quan giữa vitamin D và sự mệt mỏi ở phụ nữ trẻ cho thấy, những phụ nữ có nồng độ vitamin D trong máu thấp hơn 20 ng/ml có nhiều khả năng phàn nàn về sự mệt mỏi hơn so với những người có nồng độ trong máu trên 30ng/ml.

4.3. Đau xương và lưng

Nồng độ vitamin D trong máu thấp có thể là nguyên nhân hoặc yếu tố góp phần gây đau xương và đau thắt lưng.

Các nghiên cứu quan sát lớn đã tìm thấy mối quan hệ giữa thiếu hụt vitamin D và bệnh đau lưng mãn tính. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chứng minh được ở những người thiếu hụt vitamin D có nhiều khả năng bị đau lưng bao gồm cả đau lưng nghiêm trọng làm hạn chế các hoạt động ban ngày của họ.

Thêm vào đó, trong một nghiên cứu có kiểm soát, những người thiếu vitamin D còn có khả năng đau xương ở chân, xương sườn hoặc khớp gấp đôi so với những người có lượng D trong máu ở giới hạn bình thường.

4.4. Trầm cảm

Trầm cảm có thể là một dấu hiệu thiếu vitamin D. Trong nghiên cứu phân tích, 65% các nghiên cứu quan sát đã tìm thấy mối quan hệ giữa mức độ vitamin D trong máu với bệnh trầm cảm. Ngoài ra, một số nghiên cứu có kiểm soát khác cũng đã chỉ ra rằng cung cấp vitamin D cho những người bị thiếu hụt có thể giúp cải thiện chứng trầm cảm bao gồm cả trầm cảm theo mùa.

4.5. Chữa lành vết thương

Mức độ vitamin D trong máu không đủ có thể dẫn đến chậm lành vết thương sau phẫu thuật, chấn thương hoặc nhiễm trùng. Kết quả nghiên cứu ống nghiệm cho thấy vitamin D tăng sản xuất các hợp chất rất quan trọng để hình thành làn da mới như là một phần của quá trình chữa lành vết thương.

Một nghiên cứu trên người đã phẫu thuật nha khoa cho thấy, việc chữa lành sẽ bị giới hạn do thiếu vitamin D. Người ta cũng đề xuất rằng vai trò của vitamin D trong việc kiểm soát viêm và chống nhiễm trùng là rất quan trọng để chữa bệnh đúng cách.

Hoặc một phân tích khác đã được xem xét ở bệnh nhân đái tháo đường bị nhiễm trùng bàn chân phát hiện rằng, những người bị thiếu vitamin D nghiêm trọng có nhiều khả năng có dấu hiệu viêm cao hơn và có thể gây nguy hiểm cho việc chữa lành vết thương. Hoặc một nghiên cứu khác cho kết quả khi bệnh nhân thiếu vitamin D bị loét chân được điều trị bằng vitamin, thì kích thước loét giảm trung bình khoảng 28%.

4.6. Mất xương

Vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ canxi và chuyển hoá xương. Nhiều người già được chẩn đoán bị mất xương và họ tin rằng cần phải uống nhiều canxi hơn. Tuy nhiên, tình trạng mất xương của họ có thể là do thiếu vitamin D. Mật độ xương thấp là một dấu hiệu cho thấy xương đã mất canxi và khoáng chất khác. Điều này khiến cho người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ có nguy cơ gãy xương cao hơn.

Trong một nghiên cứu quan sát lớn ở hơn 1,100 phụ nữ trung niên trong thời kỳ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan chặt chẽ giữa mức vitamin D thấp và mật độ khoáng xương thấp.

4.7. Đau cơ

Các nguyên nhân đau cơ thường rất khó xác định. Một số nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng cho thấy thiếu vitamin D có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây đau cơ ở trẻ em và người lớn.

Trong một nghiên cứu, 71% người đau mãn tính được tìm thấy bị thiếu vitamin D. Bởi vì vitamin D có mặt trong các tế bào thần kinh được gọi là nociceptors sẽ biểu hiện cảm giác đau. Một nghiên cứu khác ở 120 trẻ thiếu vitamin D, dấu hiệu bị đau cơ ngày càng tăng, nhưng khi bổ sung một liều vitamin duy nhất làm giảm điểm đau trung bình khoảng 57%.

Khi đã hiểu rõ về vai trò và sự quan trọng của vitamin D với cơ thể, bạn nên chủ động điều chỉnh chế độ ăn và bổ sung đầy đủ vitamin để đảm bảo sức khỏe và hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.

Vitamin D

5. Thiếu vitamin E có thể gây suy cơ bắp, thị lực…

5.1. Suy nhược cơ bắp

Nếu không có đủ vitamin E, cơ bắp có thể bị căng thẳng oxy hoá, dẫn đến tình trạng cơ bắp thường suy yếu và đau nhức ở các khớp xương hay cơ bắp.

Vì vậy chúng ta cần cung cấp đủ lượng vitamin E cần thiết bởi vitamin E là một trong những thành tố quan trọng góp phần bảo vệ màng sinh chất không bị rách, đồng thời hình thành và duy trì độ bền của các sợi cơ.

5.2. Suy giảm thị lực

Thiếu vitamin E có thể làm suy yếu các thụ thể ánh sáng trong võng mạc của bạn, dẫn đến các vấn đề về thị lực như nhìn mờ theo thời gian.

5.3. Các vấn đề về phối hợp hoạt động

Thiếu hụt vitamin E có thể dẫn đến các tế bào thần kinh Purkinje trong não bị phá vỡ. Các tế bào thần kinh này đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp và kiểm soát chuyển động, khi các tế bào thần kinh này bị ảnh hưởng, sự phối hợp sẽ bị suy giảm.

5.4. Tê và ngứa ran

Trong một số trường hợp, thiếu vitamin E có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên - một tình trạng dẫn đến tê ở bàn tay và bàn chân. Thiếu vitamin E có thể làm tổn thương các sợi thần kinh, có thể ngăn chúng truyền tín hiệu một cách chính xác.

5.5. Hệ thống miễn dịch suy yếu

Vitamin E giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể bằng cách hỗ trợ sự phát triển của tế bào T, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

Khi hệ thống miễn dịch không hoạt động bình thường, nó sẽ trở nên yếu đi, khiến mọi người dễ bị nhiễm trùng hơn và gặp khó khăn trong việc chống lại chúng.

Vitamin E

6. Hay chảy máu mũi, lâu lành vết thương vì thiếu Vitamin K

Triệu chứng chính của thiếu vitamin K là chảy máu nhiều. Lưu ý rằng, tình trạng chảy máu do thiếu vitamin K có thể xảy ra ở các khu vực khác ngoài các vết thương, vết cắt hở.

6.1. Triệu chứng thiếu vitamin K ở người lớn

Người lớn thường hiếm khi thiếu vitamin K, trừ trường hợp mắc một số bệnh mãn tính hoặc do dùng các loại thuốc khiến ảnh hưởng đến việc sản xuất các loại protein hoạt động trong quá trình đông máu. Tuy hiếm gặp nhưng các triệu chứng thiếu vitamin K ở người khá rõ ràng, bao gồm:

- Cơ thể dễ bị bầm tím

- Xuất hiện các cục máu đông nhỏ bên dưới móng tay

- Xuất huyết dưới niêm mạc da

- Đi ngoài phân đen sẫm, đôi khi chứa một ít máu

6.2. Triệu chứng thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh

Ở trẻ sơ sinh, tình trạng thiếu vitamin K thường được quan sát và phát hiện bởi bác sĩ. Các bác sĩ có thể nhận biết các triệu chứng thiếu vitamin K ở trẻ thông qua các biểu hiện như:

- Chảy máu từ vùng cắt rốn

- Chảy máu ở da, mũi, đường tiêu hóa hoặc các khu vực khác trên cơ thể trẻ

- Chảy máu ở dương vật nếu bé trai đã được cắt bao quy đầu

- Xuất huyết não đột ngột – một tình trạng cực kỳ nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng trẻ.

Vitamin K

Trên đây là những chia sẻ của Vinalab về các dấu hiệu nhận biết cơ thể bạn đang thiếu các Vitamin cần thiết. Hãy cố gắng bổ sung các thực phẩm giàu vitamin để tăng cường sức khỏe, cải thiện các tình trạng mà bạn đang mắc phải.

Vinalab tổng hợp.