Mới đây, gần 200 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) thông qua tiêu chuẩn mới về tín chỉ carbon, đóng vai trò quan trọng trong việc khởi động thị trường carbon toàn cầu.
Gần 200 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) thông qua tiêu chuẩn mới về tín chỉ carbon.
Hội nghị COP29 diễn ra trong bối cảnh năm 2024 được dự báo sẽ lập kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu gia tăng, gây sức ép lớn để các chính phủ hành động quyết liệt hơn trong việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Bước đột phá về tín chỉ carbon ngay trong ngày đầu tiên họp Hội nghị COP29 không chỉ được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa cho một thị trường carbon hoàn chỉnh trong tương lai gần, mà còn mang lại công cụ hiệu quả để thế giới thúc đẩy mục tiêu cứu “ngôi nhà chung” trước những hiểm họa khôn lường của tình trạng biến đổi khí hậu.
Tín chỉ carbon hay còn gọi là chứng nhận phát thải khí nhà kính, là một công cụ kinh tế được sử dụng để quản lý lượng khí thải carbon dioxide (CO2) và các khí nhà kính khác. Mỗi tín chỉ đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc lượng khí nhà kính khác tương đương vào bầu khí quyển. Hệ thống tín chỉ carbon được thiết lập để các tổ chức hoặc quốc gia đã đạt mức giảm phát thải khí nhà kính của mình nhiều hơn mức cam kết, có thể bán tín chỉ carbon của mình cho các tổ chức hoặc quốc gia khác.
Kể từ Hiệp định Paris năm 2015, Liên Hợp quốc đã xây dựng những quy tắc để cho phép các quốc gia và doanh nghiệp trao đổi tín dụng trong một thị trường minh bạch và đáng tin cậy. Tuy nhiên, các hoạt động mua bán tín chỉ carbon tự nguyện vấp phải nhiều bê bối do không có tiêu chuẩn chung để đánh giá mức giảm khí thải. Các tiêu chuẩn được thông qua tại Baku được hy vọng sẽ cho phép phát triển những quy tắc bao gồm tính toán số lượng tín chỉ mà một dự án nhất định có thể nhận được.
Chia sẻ về kết quả này, Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev cho biết: “Đây là bước ngoặt giúp chuyển nguồn lực đến các quốc gia đang phát triển. Sau nhiều năm bế tắc, những đột phá ở Baku đã khởi đầu cho một chặng đường mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm". Chủ tịch COP29 nhấn mạnh, việc thực hiện đầy đủ Điều 6 là ưu tiên đàm phán chính trong năm nay. Hoàn tất đàm phán Điều 6 có thể giảm chi phí thực hiện các kế hoạch khí hậu quốc gia tới 250 tỷ USD mỗi năm nhờ khả năng hợp tác xuyên biên giới. Thỏa thuận đã đạt được cho phép thị trường carbon toàn cầu khởi động ngay trong năm tới.
Tín chỉ carbon cho phép các quốc gia hoặc công ty giảm phát thải và loại bỏ CO2 khỏi khí quyển, cũng như bù đắp lượng khí thải của chính mình.
Với cơ chế thị trường carbon được thông qua, các công ty Mỹ có thể tiếp tục đóng góp vào nỗ lực toàn cầu đối phó với biến đổi khí hậu, ngay cả nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris. Trong trường hợp này, các công ty Mỹ vẫn có thể mua tín chỉ từ thị trường carbon của Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, một số nhà hoạt động môi trường lo ngại rằng các tiêu chuẩn hiện hành chưa đủ để bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng chịu ảnh hưởng từ các dự án. Một số nhà đàm phán cũng chỉ trích quy trình thông qua thỏa thuận, cho rằng các tiêu chuẩn được quyết định bởi một nhóm nhỏ chuyên gia kỹ thuật, trong khi nhiều quốc gia không được tham gia đầy đủ vào quá trình này.
Tuy vậy, các quốc gia tham gia COP29 đã cam kết hoàn thiện các quy định khác để xây dựng một thị trường bền vững. Theo Hiệp hội Giao dịch phát thải quốc tế, thị trường do Liên hợp quốc hậu thuẫn có thể đạt tổng giá trị giao dịch 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và cắt giảm 5 tỷ tấn carbon mỗi năm.
Nguồn VietQ.
Tin bài khác