Trung thu được xem là một cái tết lớn trong năm, Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa hằng năm, nó mang ý nghĩa của sự chăm sóc, của sự hiếu thảo như ngày báo hiếu, của lòng biết ơn, sự tri ân, của tình thân bằng hữu, của đoàn tụ, và của yêu thương. Hãy cùng Vinalab tìm hiểu những điều thú vị về Tết Trung thu trong bài viết sau nhé.
Trung thu, là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi là ngày giữa mùa thu, tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8.
Tết Trung Thu còn có nhiều tên gọi khác như Tết Thiếu Nhi, Tết Trông trăng hay Tết Đoàn viên…
Trong tiếng Anh, Tết Trung thu thường được gọi là Mid-Autumn Festival hoặc Moon Festival, Mooncake Festival, Full Moon Festival…
Trung thu là ngày 15/8 (âm lịch) hàng năm vì ngày này mặt trăng tròn nhất và sáng nhất. Bên cạnh đó vào thời gian này cũng đã thu hoạch xong mùa vụ và bắt đầu tổ chức những lễ hội mà trong đó tiêu biểu là lễ hội trăng rằm.
Tết trung thu 2022 rơi vào ngày 10/09/2022 dương lịch. Năm nay Trung thu rơi đúng vào ngày thứ 7 cuối tuần.
Theo tích xưa, Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung thu.
Ngày Tết này sau đó du nhập vào Việt Nam. Trong ngày Tết Trung thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả... Giờ vào dịp Trung thu, các địa điểm dân phố hoặc TTTM lớn đều có tổ chức trang trí và các hoạt động riêng cho trẻ em lại là nơi được nhiều vị phụ huynh lựa chọn đưa các bé đến cùng vui chơi, chụp ảnh.
Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả.
Học giả P. Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) khi nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung thu đã chỉ ra rằng từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng 8, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn.
Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng 8 gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi” (bia chùa Đọi 1121), người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu.
Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hện giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.
Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.
Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ...
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Chỉ với chiếc nồi chiên không dầu bạn cũng có thể tự tay làm nên những chiếc bánh Trung Thu cho gia đình mình thưởng thức. Vinalab sẽ hướng dẫn cho bạn 2 cách làm bánh Trung Thu bằng nồi chiên không dầu siêu ngon ngay tại nhà. Tham khảo và làm ngay vài chiếc bánh handmade cho cả gia đình nhé!
a. Nguyên liệu làm bánh
Đầu tiên, chuẩn bị nguyên liệu làm bánh (cho 6 cái) như sau:
+ 240 gram bột mì
+ 160 gram nước đường
+ 150 gram đậu xanh (đã cà sạch vỏ)
+ 20 gram bơ đậu phộng
+ 2 cái lòng đỏ trứng gà
+ 30 ml dầu đậu phộng hoặc dầu ăn
+ 100 gram đường
+ 5 gram bột ca cao (hoặc bột trà xanh) để làm 2-3 lớp nhân
+ 530 ml nước
+ Sữa tươi không đường
b. Các dụng cụ cần có
+ Nồi
+ Máy xay sinh tố
+ Chảo chống dính
+ Khuôn bánh 125gr
+ Nồi chiên không dầu
Đối với khuôn bánh, các bạn chuẩn bị khuôn nhựa lò xo hoặc không lò xo đều được, chọn kích thước khuôn tuỳ vào bạn muốn bánh lớn hay nhỏ. Nếu khuôn nhỏ hơn thì với số nguyên liệu này sẽ làm được nhiều bánh hơn.
c. Cách chọn mua đậu xanh ngon
Để có được chiếc bánh Trung Thu nhân đậu xanh thơm ngon thì cần phải có đậu xanh chất lượng. Đậu xanh ở đây là đậu đã được chế biến sạch vỏ, có màu sáng, không còn tạp chất và không bị ẩm mốc hay mối mọt.
Bạn có thể dễ dàng tìm mua được loại đậu xanh này ở siêu thị hoặc các cửa hàng tạp hoá nhé!
Tuy nhiên, nên kiểm tra một vài thông tin sản phẩm trước khi mua nhé, như hạn sử dụng và không dùng chất bảo quản để không ảnh hưởng đến mùi vị của bánh cũng như sức khoẻ của chúng ta nhé.
d. Cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu
- Chuẩn bị nhân bánh
Trước tiên, với 150 gram đậu xanh chúng ta vo sạch và ngâm nước trong 2 tiếng.
Tiếp theo, vớt đậu ra để nấu cùng 500ml nước đến khi sôi. Để lửa vừa và nấu tiếp 20 phút cho đậu mềm. Trong quá trình nấu, dùng vá vớt bọt ra nhé. Đậu được nấu sẽ mềm hơn và xay nhanh nhuyễn hơn so với đậu hấp nhé.
Sau khi, đậu chín mềm chúng ta vớt ra và dùng máy xay sinh tố để xay nhuyễn. Nếu không có máy xay, bạn có thể dùng thìa để nghiền đậu và dùng rây để lọc cho hỗn hợp mịn màng hơn nhé.
Tiếp theo, đổ phần đậu xanh đã xay vào chảo cùng với 150 gram đường và nửa thìa cafe muối, trộn đều và sên với lửa nhỏ. Cho thêm 2 muỗng dầu ăn và tiếp tục đảo đều tay với lửa nhỏ.
Kế đến, dùng 1/2 muỗng canh bột mì hoà tan với 2 muỗng canh nước rồi đổ vào chảo đậu và đảo đều tay đến khi nhân sên lại thành một khối dẻo và không dính chảo nữa là thành công rồi nha.
Ngoài ra, để tăng thêm độ đa dạng cho bánh, bạn có thể biến tấu phần nhân này khi kết hợp các nguyên liệu khác như trà xanh, cacao, mè, dừa, sầu riêng và các loại hạt. Nếu dùng hạt thì bạn nên rang chín chúng trước khi trộn với nhân nhé.
Sau đó chia nhân thành những phần bằng nhau và vo tròn lại. Nhớ dùng màng thực phẩm bọc kín nhân lại để không bị khô nhé.
- Chuẩn bị vỏ bánh
Đầu tiên, rây 240gr bột mì vào tô. Tạo một lỗ trống trong tô bột bằng thìa rồi cho lần lượt 160gr nước đường, 20gr bơ đậu phộng, 30ml dầu ăn, 1 lòng đỏ trứng gà.
Dùng máy đánh trứng để trộn các nguyên liệu lại với nhau. Nếu không có máy, bạn có thể trộn bột thủ công bằng cách dùng thìa, khuấy cho đến khi hỗn hợp hoà quyện vào nhau.
Sau đó, bạn dùng tay để nhào bột thành một khối dẻo. Nếu bột hơi khô thì bạn có thể thêm một ít dầu ăn hoặc nước đường rồi nhào lại.
Để bột nghỉ ở nhiệt độ thường khoảng 30-45 phút. Nhớ bọc bột bằng màng thực phẩm để bột không bị khô nhé.
Sau 30-45 phút, bột đã sẵn sàng để đóng bánh rồi. Lấy phần bột ra nhào lại lần nữa rồi chia thành 6 phần bằng nhau rồi vo tròn lại.
- Đóng bánh
Cán mỏng từng viên bột để bọc vừa nhân, không nên cán quá rộng và nhớ dùng một ít bột rắc lên thớt để cán không bị dính nhé. Đặt viên nhân vào giữa, sau đó dùng tay miết cho vỏ ôm sát và bao kín hết phần nhân và các mép bột dính lại với nhau.
Sau khi đã bọc bánh xong, chúng ta bắt đầu đóng khuôn bánh nhé. Bạn có thể sử dụng khuôn nhựa lò xo hoặc không lò xo, khuôn gỗ, khuôn silicon với rất nhiều hoạ tiết khác nhau.
Đầu tiên, quét một lớp dầu ăn mỏng quanh thành khuôn để bánh không bị dính khuôn khi nén. Cho từng viên bánh đã vo tròn vào khuôn, dùng lực ép bánh và tạo hình cho bánh. Lấy bánh ra và đặt lên khay có lót giấy nến. Thực hiện lần lượt cho đến hết.
Nếu bạn làm số lượng bánh lớn, nên đóng bánh ngay sau khi vừa gói xong. Hoặc bọc viên bánh vừa gói bằng màng thực phẩm, tránh để bánh bị khô khi đóng sẽ không đẹp và sắc nét.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng khuôn nhựa không lò xo hoặc khuôn gỗ để đóng bánh. Chỉ cần dùng tay ấn chặt phần bánh vào khuôn, nên dùng sức vừa phải để bánh không bị nhão hoặc móp nhé.
- Nướng bánh
Nhớ vệ sinh bên trong nồi chiên để bánh không bị ám mùi nhé. Trước tiên, làm nóng nồi khoảng 10 phút ở nhiệt độ 150 độ C.
Sau đó, xếp bánh vào nồi và phun một lớp nước mỏng lên mặt bánh để giữ ẩm cho bánh. Và nướng trong 5 phút ở mức 150 độ C cho bánh chín. Rồi để ra ngoài cho bánh nguội hẳn.
Tiếp theo, chuẩn bị hỗn hợp lòng đỏ trứng và sữa để quét lên bánh gồm 4 muỗng cà phê sữa và 1 lòng đỏ trứng. Sau khi khuấy đều hỗn hợp, dùng cọ quét một lớp mỏng hỗn hợp lên khắp bánh. Và tiếp tục nướng lần 2 cùng mức nhiệt và thời gian như lần đầu.
Để bánh nguội hẳn, trở mặt bánh và nướng lần 3 với mức nhiệt 150 độ C trong 5 phút.
Lúc này, bánh đã chín và vàng cả 2 mặt, bạn nên để bánh ở nhiệt độ thường qua 1 đêm sẽ giúp bánh mềm, ngon hơn và màu sẽ đẹp hơn. Lớp vỏ mềm vàng ươm cùng với nhân đậu xanh ngọt đậm đà kết hợp với trà xanh hoặc cacao sẽ tạo thêm mùi vị mới lạ cho món bánh này.
Đối với bánh tự làm, ngon nhất khi thưởng thức trong 3 ngày đầu tiên. Muốn bánh để lâu hơn thì bảo quản bằng tủ lạnh, nhưng bánh sẽ không còn ngon như lúc đầu nữa nhé.
a. Nguyên liệu
Chuẩn bị nguyên liệu cho 6 cái bánh như sau:
+ 240gr bột mì
+ 20gr bơ đậu phộng
+ 2 lòng đỏ trứng gà
+ 100ml dầu ăn
+ 150gr đậu xanh (có thể thay bằng đậu đỏ)
+ 6 quả trứng vịt muối
+ 150gr nước đường
+ 840ml nước
+ 200gr đường cát
+ 1 muỗng canh sữa tươi không đường
+ cùng một ít rượu trắng để rửa trứng muối
Nếu bạn là tín đồ của sầu riêng, bạn có thể kết hợp 50g sầu riêng cho phần nhân nhé.
b. Cách làm bánh trung thu nhân trứng
- Chuẩn bị nhân
Đậu xanh không vỏ đem đi vo sạch rồi ngâm 4-6 tiếng.
Sau đó, vớt đậu ra và nấu với nước và 1/2 muỗng cà phê muối trong 15 phút với lửa vừa. Tiếp đến, cho đường vào và nấu tiếp 5 phút cho đến khi gần cạn nước thì tắt bếp, để nguội. Kế đến đem xay nhuyễn bằng máy xay.
Cho phần đậu xanh nhuyễn vào chảo, đảo đều với lửa nhỏ. Từ từ cho 2 muỗng dầu ăn rồi khuấy đều tay, rồi tiếp tục cho thêm 2 muỗng dầu ăn nữa, khuấy đều tay.
Khuấy 1.5 muỗng canh bột mì cùng 3 muỗng canh nước rồi cho từ từ vào chảo đậu xanh. Vừa đổ vừa khuấy đều cho đến khi thành một khối dẻo mịn và không dính chảo nữa. Dùng tay thử vo một phần nhỏ, nếu không bị chảy nhão là đạt nhé.
Nếu bạn muốn kết hợp thêm sầu riêng thì xay nhuyễn 50gr sầu riêng, sau đó cho vào sên cùng với đậu xanh sau khi thêm dầu ăn nhé.
Sau khi sên hoàn tất, cho nhân ra tô để nguội và chia thành 6 phần bằng nhau rồi vo tròn. Nhớ dùng màng bọc thực phẩm để nhân không bị khô nhé.
- Chuẩn bị vỏ bánh
Dùng tô hoặc âu để trộn bột và các nguyên liệu nhé.
Rây 240gr bột mì vào tô, sau đó cho 150gr nước đường, 50ml dầu ăn và 1 lòng đỏ trứng gà vào, rồi dùng thìa khuấy đều cho hỗn hợp quyện vào nhau. Kế đến nhào bột bằng tay thành một khối dẻo mịn và không dính tay.
Nếu bột khô và dễ nứt bể thì bạn thêm một ít nước đường hoặc dầu ăn rồi nhào cho tới khi đạt nhé. Dùng màng thực phẩm bọc lại cho bột nghỉ khoảng 1 tiếng.
- Chuẩn bị trứng muối
Trong thời gian chờ bột nghỉ, chúng ta sẽ chuẩn bị nhân trứng muối nhé.
Trứng muối bạn có thể mua hoặc tự làm để dùng. Thông thường, sau 3 tuần tự làm là có thể dùng được rồi nhé.
Tách trứng ra, loại bỏ lòng trắng và rửa dưới vòi nước chảy nhẹ cho sạch phần nhớt bên ngoài. Sau đó, cho vào tô đã bỏ sẵn rượu trắng, đảo đều rồi lấy trứng ra để ráo.
Tiếp đến, lót giấy nến có quét 1 lớp dầu mỏng vào nồi chiên không dầu. Xếp trứng vào và nướng ở mức nhiệt 170 độ C trong 5 phút. Nên để trứng trong nồi thêm 5 phút rồi mới lấy ra nhé cho trứng chín hẳn mà không bị khô.
- Đóng bánh
Chia bột và nhân bánh thành 6 phần bằng nhau. Dùng tay để làm dẹp viên nhân đậu xanh rồi cho trứng muối vào, sau đó túm lại sao cho nhân đậu bao kín trứng muối.
Kế đến, cán mỏng vỏ bột, đặt viên nhân đậu trứng muối vào giữa, dùng tay miết cho lớp vỏ ôm trọn phần nhân và miết các mép bột kín lại.
Quét một lớp dầu mỏng lên khuôn bánh rồi đặt viên bánh vào và bắt đầu nén bánh. Lấy bánh ra và đặt lên khay có lót giấy nến. Làm đến khi hết nguyên liệu.
Lưu ý, bọc nhân đến đâu thì đóng bánh đến đó, tránh để viên bánh bị khô khi đóng sẽ không đẹp đâu đấy.
- Nướng bánh
Trước tiên, làm nóng nồi trong 10 phút ở mức nhiệt 180 độ C.
Xếp bánh vào nồi có lót sẵn giấy nến và phun một ít nước lên mặt để bánh không bị quá khô. Nướng bánh với mức nhiệt 180 độ C trong 5 phút.
Khi bánh đã nguội, quét một lớp mỏng hỗn hợp 1 lòng đỏ trứng và 1 muỗng canh sữa tươi lên mặt bánh rồi nướng lần 2 ở 180 độ C trong 7-10 phút.
Tiếp tục nướng lần 3, trở mặt bánh và nướng với 150 độ C trong 5 phút là hoàn thành nhé. Bánh sau khi nướng sẽ hơi cứng, khi nguội bánh sẽ mềm và màu sẽ đậm hơn.
Sau khi bánh nướng xong, để bánh nguội hẳn, cho bánh vào túi hoặc hộp và nên sử dụng trong 3 ngày đầu. Nếu muốn giữ bánh lâu hơn, bạn có thể bảo quản bánh trong tủ lạnh nhưng bánh sẽ kém ngon đấy.
- Cách nướng bằng lò nướng
Trong trường hợp nhà bạn không sử dụng nồi chiên không dầu, đừng lo, lò nướng cũng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nướng bánh cho bạn.
Trước tiên, cần làm nóng lò 15 phút trước khi đưa bánh vào. Lò nướng cần đảm bảo đủ hai luồng nhiệt trên và dưới để bánh chín đều nhé.
Nướng bánh lần 1 với mức nhiệt 180 độ C trong khoảng 8-10 phút (đối với banh 100 – 125 gr). Tuỳ theo kích thước lò mà bạn điều chỉnh nhiệt độ và thời gian cho phù hợp. Nếu lò quá nhỏ thì bạn có thể giảm nhiệt độ thấp một chút. Hoặc là bạn nên sử dụng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt trong lò.
Quan sát thấy bánh chuyển màu trắng đục thì lấy bánh ra rồi phun một lớp nước lên mặt bánh và để cho nguội hẳn. Sau đó, quét hỗn hợp trứng và sữa để tạo màu cho bánh.
Đem bánh đi nướng lần 2 ở 190-200 độ C trong khoảng 7 phút. Quan sát thấy mặt bánh khô và chuyển màu vàng thì lấy ra và tiếp tục phun nước, đợi khô và quét hỗn hợp trứng. Có thể quét 2-3 lần là vừa đẹp vì nếu quét nhiều thì phần trứng sẽ làm mờ đi hoạ tiết của bánh.
Bánh nướng xong sẽ chỉ có màu hanh vàng, hãy để bánh qua 1 đêm thì bánh sẽ mềm và ngả màu nâu vàng đậm đà hơn, các hoạ tiết sẽ sắc nét hơn. Phần nhân đậu có nhiều dầu nên sẽ làm cho bánh mềm nhanh hơn là nhân dừa và nhân thập cẩm.
a. Một số sai lầm cần tránh khi làm bánh
Bạn không phải là thợ bánh chuyên nghiệp nên lần đầu tiên tự tay làm bánh thì khó tránh khỏi thành phẩm sẽ không hoàn hảo. Lưu ý những lỗi cơ bản sau đây nhé.
+ Nhân bánh sên quá lửa khiến nhân cháy, bị chảy dầu hoặc nhân sên chưa tới làm nhân chảy nhão. Hoặc nhân quá khô không đổ dầu sau khi nướng làm bánh bị khô cứng.
+ Bọc nhân không kín, làm lọt khí giữa lớp nhân và vỏ sẽ làm phần nhân bị tách rời với vỏ sau khi nướng.
+ Vỏ bánh thiếu độ ẩm, bị khô, nứt khi bọc bánh và sau khi nướng do bột quá khô hoặc hỗn hợp trứng quét quá dày. Hoặc vỏ bánh bị mềm ướt sau khi nướng do nước đường quá nhiều hoặc sử dụng nước đường chưa đạt yêu cầu. Bạn lưu ý trộn bột đúng công thức, nếu bột quá nhão có thể thêm bột mì để chữa cháy nhé.
+ Viên bánh sau khi bọc nhân nhưng không đóng khuôn khiến vỏ bột bị khô, khi đóng bánh không được sắc nét.
+ Nước đường chưa đạt yêu cầu mà đem sử dụng sẽ làm bánh lên màu không đẹp. Ngoài ra, nước đường nấu chưa đạt còn nhiều hạt li ti dễ làm bánh hư hỏng.
+ Nướng chưa đủ nhiệt độ làm bánh chín không đều hoặc nhiệt độ quá cao làm bánh bị phồng và biến dạng. Bạn lưu ý theo dõi nhiệt độ và quan sát bánh trong quá trình nướng nhé.
b. Cách bảo quản bánh Trung Thu
Bánh Trung Thu mua ở ngoài thường được đóng kín và dùng túi bảo quản nên có thể để được lâu ở nhiệt độ thường. Đối với bánh trung thu nướng tự làm thì có thể sử dụng trong 1 tuần kể từ ngày nướng và bảo quản bánh ở nơi khô mát, tránh nhiệt độ cao và nóng ẩm.
Một cách kéo dài thời gian sử dụng bánh trung thu là bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh, nhưng bánh sẽ kém ngon đi ít nhiều. Nên bỏ bánh vào túi hoặc hộp kín trước khi bỏ vào tủ lạnh. Và khi sử dụng, bạn nên hâm nóng lại bánh bằng lò vi sóng hoặc lò nướng nhé.
Tuy nhiên, bánh handmade nên sẽ hạn chế về hạn sử dụng, mặc dù bảo quản trong tủ lạnh nhưng bánh chỉ để được tối đa 15 ngày thôi nhé. Ngưng sử dụng khi phát hiện bánh bị mốc hoặc có mùi lạ nha.
Vinalab
Tin bài khác