Cuộc sống hiện đại đôi khi khiến con người ta bị xoáy vào guồng quay của thời gian, công việc và cứ thế tháng tháng – ngày ngày trôi đi là sự vội vã, chạy deadline. Thậm chí, người sống chung nhà cũng gặp nhau chỉ vài tiếng đồng hồ mỗi ngày. Thế nên, Tết được coi như một sợi dây vô hình để kết nối mọi người với nhau. Tết cho người ta được sống chậm, được sẻ chia, được hoài niệm.
Tết có ý nghĩa to lớn với người Việt, nhất là những người con xa quê. Tết không chỉ là khoảng thời gian giao mùa, là lúc mà đất trời giao hòa, chuyển mình mà còn là thời điểm của sum vầy. Những người con xa quê có khoảng thời gian nghỉ ngơi để trở về bên gia đình, thăm quê hương, làng xóm.
Mỗi độ Tết đến, lòng người đều chộn rộn, háo hức. Bởi sắp được sống những tháng ngày chậm thật chậm, không vội vã. Bao lo lắng, deadline công việc được gạt bỏ sang một bên. Tết được cùng những người thân yêu ăn những bữa cơm đầm ấm. Mỗi khoảnh khắc Tết là mỗi câu chuyện, mỗi kỉ niệm. Thế nên, ai cũng ngóng Tết để sống đúng với cuộc sống mong ước. Tết đã kết nối các thế hệ với nhau để cùng thấu hiểu nhau hơn, cùng gắn kết. Tết là sợ dây văn hóa để níu giữ mái ấm gia đình. Nhờ Tết mà có một khoảng thời gian để các thành viên gia đình tề tựu, sẻ chia những câu chuyện muộn phiền của năm cũ và cùng nhau đón những điều tốt đẹp hơn sau phút giây giao thừa điểm.
Tết chính là cầu nối văn hóa giữa hiện đại và quá khứ. Giữ gìn những sắc thái truyền thống để không bị mai một. Dù cuộc sống hiện đại không còn thiếu thốn gì về vật chất nhưng nhiều gia đình vẫn tự tay tất bật chuẩn bị những bữa cơm, những món ăn truyền thống để không khí Tết xưa luôn hiển hiện.
Ở ngoại thành Hà Nội, có một ngôi làng đã đề ra những công việc chi tiết cho toàn dân đón Tết. Chẳng hạn, đúng ngày 28 tháng Chạp tất cả người dân trong làng cùng nhau dọn dẹp lại đường đi chung thật sạch sẽ. Rồi ngày 29 tháng Chạp các gia đình cùng nhau ngồi ven đường làng gói bánh chưng, đụng lợn và xay giò. Nhà gói nhiều thì 20 chiếc, nhà gói ít cũng chỉ 5 chiếc bánh nhưng bỗng chốc tạo nên một không khí thật sự Tết. Chỉ có dịp Tết mà con đường làng sôi động, nghi ngút khói, những nồi bánh chưng sôi ùng ục, mùi khoai ủ, ngô vùi quyện những dư vị khác làm nên mùi Tết. Chẳng vậy mà một năm mới có một lần, nên người trong làng dù có bận việc đồng áng hay bận bất kể công việc gì cũng đều thu xếp để thực hiện đúng văn hóa truyền thống, cùng nhau gói bánh vào ngày 29 Chạp. Những người con xa quê cũng vì hương ước lệ làng như thế mà háo hức, mà trông mong để về bên nồi bánh nghi ngút khói ấm áp dọc con đường quen thuộc.
Nhờ khôi phục nét đẹp truyền thống này mà người dân có thêm tinh thân đoàn kết. Tết bỗng như một ngày hội của toàn dân đưa người với người sát lại gần nhau hơn. Nếu gia đình nào khó khăn thì sẽ được hàng xóm đùng bọc. Người thì tặng cho ít gạo, người thêm chút đỗ và có gia đình thì tặng cả cân thịt. Thế là cũng có nồi bánh chưng tươm tất.
Tết không chỉ gắn kết nghĩa tình của toàn dân với nhau, Tết còn gắn kết tình quân dân như cá với nước. Năm nào cũng có những chuyến hàng chở thương yêu của đất liền đến với các chiến sĩ, bộ đội nơi hải đảo xa xôi đang làm nhiệm vụ đặc biệt canh giữ biển trời của tổ quốc. Hay ở nơi địa đầu tổ quốc những người lính cũng ngày đêm canh giữ biên cương, vì nhiệm vụ họ phải ở lại với sương núi không được về nhà ăn Tết. Nhưng với mảnh đất chữ S thì nơi nào cũng là nhà, cứ mai đào khoe sắc là quê hương, ở đó, các chiến sĩ được ăn Tết với bà con dân bản, được sống trong sắc xuân thắm đượm nghĩa tình.
Tết trong mỗi con người là nguồn cội. Tết nhắc nhở chúng ta phải nhớ đến nơi mình sinh ra, nhớ đến những giá trị truyền thống và lưu giữ. Nếu các giá trị truyền thống bị mai một thì sau này nguồn cội văn hóa cũng bị lãng quên. Thật may là có Tết để ai đi xa cũng phải nhớ về.
Nguồn VietQ.
Tin bài khác