Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Xây dựng chính sách pháp luật, hành lang pháp lý thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (TechFest 2024)

28/11/2024

Thực tiễn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) Việt Nam thời gian qua cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn một số vấn đề cần cải thiện trong thời gian tới. Trong đó, việc tập trung xây dựng chính sách pháp luật, hành lang pháp lý thúc đẩy hệ sinh thái KNST Việt Nam phát triển tương xứng với mô hình, tiềm lực trong giai đoạn mới là điều cần thiết.

Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn chính sách cấp cao về KNST “Từ địa phương ra quốc tế” diễn ra tại Hải Phòng ngày 26/11/2024, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh đã nhấn mạnh như trên.

Sự kiện là một trong những chương trình trọng điểm nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội KNST quốc gia năm 2024 (TECHFEST Việt Nam 2024) do Bộ KH&CN phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức, nhằm xác định những thách thức và cơ hội của một số tỉnh, thành phố trong quá trình xây dựng phát triển hệ sinh thái KNST địa phương, từ đó tìm kiếm giải pháp đổi mới, bứt phá, liên kết nguồn lực trong nước và quốc tế phát triển hệ thống trung tâm hỗ trợ KNST địa phương trên toàn quốc. 

Tạo hành lang pháp lý, chính sách phù hợp với giai đoạn phát triển mới của hệ sinh thái KNST

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội của nước ta đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng trước đây dựa trên vốn và tài nguyên đã không còn dư địa. Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, lựa chọn bắt buộc của Việt Nam là phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Thứ trưởng cho biết, năm 2024, chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam đã tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế. Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp, luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST. Cũng trong năm 2024, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, với số thương vụ đầu tư mạo hiểm tăng 27 bậc, xếp thứ 50/133 quốc gia; số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm tăng 10 bậc, lên vị trí 44/133 quốc gia, phản ánh môi trường đầu tư và chất lượng của các startup được cải thiện. Chỉ số xếp hạng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu của Startup Blink năm 2024 cũng cho thấy, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có những bước cải thiện đáng kể, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 56 trên thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2023. Những con số trên cho thấy, hệ sinh thái KNST Việt Nam đang trên đà phát triển và thể hiện tiềm năng bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn chuyển mình này. 

Thứ trưởng nhận định, hệ sinh thái KNST của Việt Nam đã bước qua giai đoạn đầu tiên và đang bước sang giai đoạn thứ hai, mở rộng và hội nhập với các hệ sinh thái KNST trên thế giới.

Thực tiễn phát triển hệ sinh thái KNST Việt Nam thời gian qua cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn một số vấn đề cần cải thiện trong thời gian tới. Nổi bật là việc tập trung xây dựng chính sách pháp luật, hành lang pháp lý thúc đẩy hệ sinh thái KNST Việt Nam phát triển tương xứng với mô hình, tiềm lực trong giai đoạn mới, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua, có nhiều chính sách, chủ trương phát triển hệ sinh thái KNST. Tuy nhiên trong các văn bản pháp luật, các khái niệm, quy định về KNST và ĐMST vẫn chưa được sử dụng một cách thống nhất. Ở nhiều nơi, các chủ trương chính, sách được thực thi chưa chính xác, chưa thực sự hiệu quả cho phát triển hệ sinh thái ĐMST.

Vì vậy, khi hệ sinh thái KNST đã trưởng thành, bước sang giai đoạn mở rộng và kết nối thì cần thiết phải xây dựng chính sách phù hợp với bản chất, quy mô, tiềm năng, định hướng phát triển của hệ sinh thái này, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành tố phát triển.

Khai thác thế mạnh đặc thù phát triển hệ sinh thái KNST địa phương 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đang dần khẳng định là thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục định hình rõ nét vai trò trọng điểm kinh tế biển của cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2023 của Thành phố xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 đạt 52,32 điểm, xếp thứ 3 cả nước, sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, xếp thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Đạt được những thành tựu đó, KH,CN&ĐMST đóng vai trò quan trọng.

Ông Lê Khắc Nam cho biết, với mục tiêu đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển và ứng dụng KH,CN&ĐMST nhất là trong các ngành như công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, dịch vụ logistics, y học biển...

Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng phát biểu tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, các phiên thảo luận tập trung vào những thách thức và cơ hội của một số tỉnh, thành phố đi kèm với những sáng kiến, giải pháp trong quá trình xây dựng phát triển hệ sinh thái KNST địa phương.

Phiên một với chủ đề “Khai thác thế mạnh đặc thù phát triển hệ sinh thái KNST địa phương”. Các địa phương Việt Nam và Hàn Quốc có thế mạnh ngành tương đồng đã cùng tham gia thảo luận về việc biến thách thức thành cơ hội và tìm kiếm những giải pháp cho tương lai, phát triển kinh tế địa phương gắn liền với KNST dựa trên thế mạnh đặc thù. Một trong những điểm nhấn của Diễn đàn là trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương Hàn Quốc, những nơi đã thành công trong việc phát triển hệ sinh thái KNST năng động thông qua hệ thống các trung tâm kinh tế sáng tạo và đổi mới cũng như hệ thống các công viên công nghệ, mở ra cơ hội cho các trung tâm hỗ trợ KNST tại Việt Nam áp dụng và học hỏi mô hình hỗ trợ, nâng tầm hệ sinh thái KNST quốc gia.

Phiên thứ hai với thông điệp “Liên kết, khơi thông nguồn lực và phát triển hệ thống trung tâm hỗ trợ KNST tạo địa phương”, các đại biểu tham gia đối thoại các vấn đề liên quan đến tận dụng đặc thù, thế mạnh ngành tại địa phương và thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp, tập đoàn và tổ chức quốc tế trong việc liên kết, hỗ trợ thúc đẩy Trung tâm hỗ trợ KNST địa phương trở thành động lực cho sự phát triển của tổng thể hệ sinh thái KNST Việt Nam trong dài hạn. Qua đó cùng đưa ra những đề xuất, giải pháp đổi mới, liên kết nguồn lực giữa Việt Nam và quốc tế, giữa khu vực tư và công.

Các đại biểu trao đổi tại Phiên thảo luận.
Các đại biểu trao đổi tại Phiên thảo luận.

Thông qua Diễn đàn, Bộ KH&CN mong muốn khuyến khích sự liên kết giữa các trung tâm hỗ trợ KNST địa phương, quốc gia và quốc tế, khai thác tối đa các nguồn lực trong việc cung cấp hỗ trợ cho KNST. Việt Nam sẵn sàng học hỏi và áp dụng các sáng kiến hợp tác quốc tế để thúc đẩy hệ sinh thái KNST trong nước phát triển với định hướng bền vững và kết nối toàn cầu.
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN.