Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây công bố tàu Hằng Nga 5 tìm thấy khoáng vật hoàn toàn mới trên Mặt Trăng.Theo đó, trong số những mẫu vật mà tàu Hằng Nga 5 mang từ Mặt Trăng về Trái Đất vào tháng 12/2020, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại khoáng vật chưa từng thấy.
Cụ thể, khoáng vật mới được đặt tên là Changesite-(Y) có vẻ ngoài trong suốt như kim cương đã được Hiệp hội Khoáng vật học Quốc tế (IMA) chứng nhận. Vào ngày 9/9 vừa qua, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc (CAEA) đã phối hợp để công bố về phát hiện mới này.
Changesite-(Y) là khoáng vật mới nhất được tàu Hằng Nga 5 của Trung Quốc tìm được.
Ông Dong BaoTong, Phó Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Trung Quốc, cho biết, phát hiện về Changesite-(Y) cung cấp thêm dữ liệu khoa học cơ bản để đánh giá và khám phá về các nguồn tài nguyên trên Mặt Trăng, đồng thời nâng cao hiểu biết của con người về Mặt Trăng và hệ Mặt Trời.
Khoáng vật Changesite-(Y) được phát hiện bởi các nhà khoa học tại Viên Nghiên cứu Địa chất Uranium Bắc Kinh (BRIUG). Đây cũng chính là khoáng vật Mặt Trăng mới đầu tiên mà Trung Quốc tìm thấy và nhận diện được. Đồng thời, cho đến nay, Changesite-(Y) cũng là khoáng vật Mặt Trăng thứ 6 được phát hiện trên hành tinh này.
Phát hiện về Changesite-(Y) đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba (sau Mỹ và Nga) trên thế giới từng tìm thấy khoáng vật Mặt Trăng mới. Phát hiện này cũng đánh dấu một thành tựu quan trọng của quốc gia này trong lĩnh vực về khoa học vũ trụ.
Theo các nhà khoa học, Changesite-(Y) là một loại khoáng vật phosphate (một hợp chất vô cơ và là muối của axit phosphoric) mới được hình thành dưới dạng tinh thể hình cột. Khoáng vật này được tìm thấy trong những hạt bazan Mặt Trăng.
Bằng một loạt các phương pháp công nghệ cao, chẳng hạn như nhiễu xạ tia X, nhóm các chuyên gia nghiên cứu tại BRIUG đã tiến hành phân lập được một hạt tinh thể đơn lẻ có đường kính khoảng 10 micrômét (tức là nhỏ hơn 1/10 đường kính của sợi tóc người trung bình). trong số 140.000 mẫu hạt lấy về từ Mặt Trăng. Sau khi phân tích thành công cấu trúc tinh thể của nó, các chuyên gia xác nhận đây là một khoáng vật mới.
Việc phát hiện ra Changesite-(Y) được coi là bước đột phá trong nghiên cứu về khoáng vật, đồng thời cung cấp những thông tin quan trọng trong quá trình khám phá lịch sử và sự tiến hóa của Mặt Trăng, cũng như khám phá không gian sâu.
Ngoài phát hiện về Changesite-(Y) trên Mặt Trăng, các nhà khoa học cũng tiến hành công bố về hai kết quả nghiên cứu lớn khác được công bố vào ngày 9/9.
Cụ thể, Trung Quốc lần đầu tiên xác định được nồng độ Helium-3 từ những mẫu đất Mặt Trăng do tàu Hằng Nga 5 mang về và những thông số chiết xuất. Helium-3 được coi là một nguồn năng lượng nhiệt hạch tương lai.
Nghiên cứu này giúp cung cấp dữ liệu khoa học cơ bản để đánh giá và thăm dò tài nguyên trên Mặt Trăng. Bên cạnh đó, những đặc điểm về hình thái của hạt đất Mặt Trăng cũng đã được xác định thông qua những nghiên cứu sâu rộng. Điều này cung cấp cơ sở khoa học nhằm nghiên cứu quá trình đất Mặt Trăng được hình thành.
Cách đây gần 2 năm, vào ngày 17/12/2020, sau khi kết thúc sứ mệnh kéo dài gần 1 tháng, tàu Hằng Nga 5 của Trung Quốc trở về Trái đất và mang theo 1.731 gram mẫu đất đá được lấy từ bề mặt Mặt Trăng. Những mẫu đất đá thu được từ Mặt Trăng đã được nhiều nhà khoa học, chuyên gia tiến hành nghiên cứu, nhằm giúp con người tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình tiến hóa cùng những loại vật chất trên Mặt Trăng.
Trước đó, vào tháng 6/2022, tàu Hằng Nga 5 cũng phát hiện ra bằng chứng về nước có trong đất Mặt Trăng. Cụ thể, Hằng Nga 5 đã phát hiện ra hydroxyl, "họ hàng" với nước về mặt hóa học, đồng thời cũng là một chất chỉ thị của nước.
Những mẫu vật mới do tàu Hằng Nga 5 thu thập được chỉ ra rằng, nước được tìm thấy ở trên bề mặt Mặt Trăng đến từ một nguồn bất ngờ đâu đó ở bên dưới bề mặt của hành tinh này.
Hình ảnh mô phỏng về trạm đổ bộ của tàu Hằng Nga 5 hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng.
Trước đó, các chuyên gia đều cho rằng nước Mặt Trăng là kết quả của gió Mặt Trời. Thế nhưng, bằng chứng mới lại cho thấy nguồn nước trên Mặt Trăng nằm đâu đó trong chính hành tinh này.
Lượng hydroxyl được tìm thấy rất ít. Theo các chuyên gia, chỉ khoảng 30 gram hydroxyl được tìm thấy trong mỗi tấn đất.
Với phát hiện này cho thấy rằng, Mặt Trăng không hoàn toàn khô cằn nhưng lại khô hơn nhiều so với giả thuyết ban đầu từng tồn tại trong nhiều thập kỷ về sự hiện diện của nước trên Mặt Trăng.
Việc tìm thấy nước là rất quan trọng với tham vọng xây dựng căn cứ Mặt Trăng năm 2027 của Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc đang lên kế hoạch cho 3 nhiệm vụ Mặt Trăng nữa theo chương trình Hằng Nga. Những nhiệm vụ này sẽ giúp đặt nền tảng cho Trung Quốc trong việc xây dựng căn cứ Mặt Trăng.
Những mẫu đất đá Mặt Trăng mà tàu Hằng Nga 5 mang về Trái Đất từ năm 2020 vẫn đang được tiến hành nghiên cứu.
Hiện tại, các kiến trúc sư vũ trụ tại Trung Quốc cũng đang tiến hành thiết kế một căn cứ Mặt Trăng từ hang động núi lửa nhằm thực hiện mục tiêu đưa phi hành gia có thể ở lâu dài sau năm 2035.
Căn cứ Mặt Trăng của Trung Quốc mang tên là Laurel Tree vẫn đang trong giai đoạn thiết kế ban đầu.
Theo trợ lý giáo sư Pan Wente ở Viện nghiên cứu và thiết kế kiến trúc thuộc Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, căn cứ này sẽ có cấu trúc hình kim tự tháp trên mặt đất đóng vai trò là lối ra vào, trong khi đó những bộ phận ở dưới mặt lòng đất sẽ gồm cabin trung tâm, cabin làm việc và một số khu vực sinh hoạt.
Hiện cả 3 quốc gia là Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang có những kế hoạch để thiết lập căn cứ dài hạn trên Mặt Trăng. Trong khi, Mỹ thực hiện chương trình Artemis để thực hiện tham vọng đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2025, thì Trung Quốc cũng đang tiến hành phát triển phương tiện phóng thế hệ mới nhằm đưa phi hành gia của nước này hạ cánh trên Mặt Trăng vào năm 2030.
Bài viết tham khảo nguồn: CGTN, SCMP.
Tin bài khác