Nhà khoa học kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ KH&CN và các Bộ, ban, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện trong thời gian tới với những chính sách, cơ chế thúc đẩy khuyến khích lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Theo PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân, trong xu thế toàn cầu hoá, nền kinh tế tri thức, cách mạng khoa học công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những đột phá có ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Từ thế kỷ 21 trở đi, không phải tài nguyên đất đai, tài nguyên tự nhiên mà chính là con người với chất xám và khả năng sáng tạo mới là tài nguyên quý giá nhất; tri thức là tài nguyên duy nhất, càng khai thác, càng sinh sôi nảy nở và phát triển.
Kế thừa có chọn lọc Văn kiện Đại hội XII và phát triển những quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng về khoa học và công nghệ, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Khoa học và công nghệ từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội” và tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Từ khi đất nước thống nhất đến nay, đội ngũ trí thức, nhà khoa học đã thể hiện và khẳng định vai trò và sự đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ nước nhà, đồng thời khẳng định được vị thế và sự đóng góp KHCN Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Việt Nam đã có các nhà khoa học đạt giải thưởng và vinh danh tầm thế giới, khu vực như nhà khoa học trẻ tài năng thế giới qua các năm, các nhà khoa học nằm trong xếp hạng nhà khoa học thế giới, nhà khoa học tiêu biểu Châu Á, nhà khoa học được vinh danh và trao giải với các công trình xuất sắc về KHCN uy tín trong nước và khu vực, đóng góp ngày càng nhiều vị thế KHCN Việt Nam và vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa. Theo báo cáo của Bộ KH&CN, năm 2020 Việt Nam tiếp tục giữ vững thứ hạng 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2021, vào cuối những năm 1990, tì lệ nhà khoa học là nữ giới chiếm 27% trên toàn cầu, đến năm 2014 tỉ lệ này tăng lên 30% và ngày đến nay chiếm 33% trong tổng số nhà khoa học tức là chiếm 1/3 tổng số các nhà khoa học là nữ giới. Mặc dù số lượng phụ nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học đang dần tăng lên trên toàn cầu nhưng sự tiến bộ này vẫn còn rất hạn chế, chỉ có 18% tỉ lệ nhà khoa học nữ giới giữ vai trò lãnh đạo cấp cao ở châu Âu và 12% thành viên của các học viện khoa học quốc gia trên toàn cầu là phụ nữ.
Số liệu báo cáo này được tất cả các nước quan tâm nhiều bởi vì vai trò nghiên cứu của nhà khoa học nữ và các công trình ngiên cứu của nhà khoa học nữ ngày càng cao và có đóng góp vai trò quan trọng trong nền KHCN của một quốc gia mặc dù phụ nữ ngoài công việc nghiên cứu khoa học họ còn đảm nhận vị trí rất cao cả và thiêng liêng là thiên chức của một người mẹ, người vợ trong gia đình-một hạt nhân của xã hội.
Tại Việt Nam, KH&CN là một trong tám lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Hiện nay, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày một tăng lên, chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Điều đó cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, nhà nước, Bộ KH&CN cùng các Bộ ngành liên quan dành cho các nhà khoa học nữ ngày càng nhiều. Phụ nữ ngày càng có những đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Thông qua hoạt động nghiên cứu KH&CN, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, họ đã được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận.
Bên cạnh những vinh quang ấy, phụ nữ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cũng gặp phải không ít rào cản, thách thức trong công việc, gia đình và xã hội vì bất kỳ người phụ nữ làm khoa học nào dù có thành công trong xã hội và đóng góp thành tựu khoa học quan trọng thì vẫn luôn phải hoàn thành nhiệm vụ và vai trò của phụ nữ trong gia đình với vai trò là người vợ, người mẹ. Tuy nhiên, những người phụ nữ làm khoa học vì đam mê và tâm huyết họ sẳn sàng hi sinh thời gian dành cho bản thân, biến áp lực rào cản thành động lực để họ được đóng góp và có những thành công nhất định được xã hội và cộng đồng ghi nhận.
Có thể thấy, KHCN không chỉ là phát triển kinh tế xã hội mà còn giữ vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội có thể thay đổi tình hình, xu thế của cả thế giới, vai trò của phụ nữ trong khoa học ngày càng thể hiện rõ và khẳng định vị thế và đóng góp to lớn trong cộng đồng và xã hội.
Trong xu thế “Thế giới phẳng” đã trở thành thuật ngữ quen thuộc chỉ sự phát triển của quá trình toàn cầu hóa từ những năm đầu của thế kỷ XXI khi mười nhân tố kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng tác động, khiến cho các mô hình xã hội thay đổi, sự tiếp xúc giữa các cá nhân, dân tộc trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn, làm cho thế giới trở nên phẳng hơn, đang là thách thức nhưng cũng tạo ra những thuận lợi và động lực giúp cho các nước trong khu vực cùng nhau hội nhập và phát triển nhanh.
"Tôi tin rằng với ý chí, năng lực, tâm huyết phát huy hết sức mạnh, sáng tạo tiềm tàng của từng cá nhân trong đất nước, trong dân tộc ta-một dân tộc Việt nam có truyền thống nghìn năm văn hiến, chúng ta đang có rất nhiều cơ hội để cống hiến hết sức mình và đưa đất nước tiến nhanh, xa hơn nữa trong thời gian tới vì Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt niềm tin tưởng, sự kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học nữ nói riêng.
Tôi cũng mong muốn rằng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ KH&CN và các Bộ ban ngành sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện trong thời gian tới với những chính sách, cơ chế thúc đẩy khuyến khích nguồn nhân lực đội ngũ trí thức, nhà khoa học nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng ngày càng cụ thể hơn. Ví dụ cơ chế đặc thù như Quỹ KHCN dành cho các nhà khoa học nữ hay cơ chế chính sách ưu tiên các chương trình KHCN dành cho nhà khoa học nữ có các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm của quốc gia nhằm tạo điều kiện để các nhà khoa học nữ phát huy hơn nữa năng lực, tri thức, chất xám, niềm đam mê tâm huyết, đóng góp vào sự phát triển của đất nước", PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân kỳ vọng.
Nguồn VietQ.
Tin bài khác