Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Tiêu chuẩn về mua sắm bền vững đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc

14/10/2021

Mua sắm bền vững là một khía cạnh trách nhiệm xã hội liên quan đến phát triển bền vững. Thực tế mọi tổ chức đều có những tác động đến môi trường, xã hội và kinh tế. Mua sắm là một công cụ mạnh mẽ đối với các tổ chức muốn thể hiện mình có trách nhiệm và đóng góp vào sự phát triển bền vững để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Bằng cách lồng ghép tính bền vững trong các chính sách mua sắm , các tổ chức có thể quản lý rủi ro để phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Mua sắm bền vững là cơ hội để cung cấp nhiều giá trị cho tổ chức, doanh nghiệp thông qua nâng cao năng suất, đánh giá giá trị và hiệu quả công việc, cho phép nhà cung ứng và người mua trao đổi với nhau. Tổ chức mua gì, mua từ ai và cách tổ chức sử dụng hàng hóa và dịch vụ sau khi được mua có thể có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất và phúc lợi của nhân viên, đến danh tiếng và quan hệ với các bên liên quan. Vì vậy có thể nói chức năng mua sắm của một tổ chức có thể đóng một vai trò quan trọng trong trách nhiệm xã hội và giúp tích hợp ở cấp độ quản trị. Mua sắm thường chiếm một phần quan trọng trong tổ chức. Riêng trong khu vực công, theo Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), mua sắm chiếm khoảng 12% GDP và 29% chi tiêu chính phủ.

Mua sắm bền vững là quá trình đưa ra các quyết định mua sắm nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức về hàng hóa và dịch vụ theo cách mang lại lợi ích, không chỉ cho tổ chức mà còn cho toàn xã hội, đồng thời giảm thiểu tác động của nó đến môi trường. Bất kể quy mô của tổ chức là lớn hay nhỏ thì mua sắm cũng đóng một vai trò rất lớn. Tổ chức mua hàng của ai cũng có tác động lớn đến hiệu suất của tổ chức. Việc đảm bảo các nhà cung cấp có các thực hành lành mạnh và có đạo đức trên tất cả mọi khía cạnh từ điều kiện làm việc và quản lý rủi ro đến tác động môi trường, có khả năng không chỉ làm cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn mà còn cải thiện cuộc sống của mọi người trong cộng đồng.

Mua sắm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững, mua sắm bền vững có thể cải thiện quan hệ với nhà cung cấp và doanh nghiệp. Năm 2019, Bộ KH&CN đã công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12874 (hoàn toàn tương đương với ISO 20400): Mua sắm bền vững - Hướng dẫn, giúp các tổ chức thực hiện mua sắm bền vững, phát triển và thực hiện các chính sách và thực tiễn mua sắm bền vững mang lại lợi ích xã hội. Đây là tiêu chuẩn cung cấp hướng dẫn cho các tổ chức muốn tích hợp tính bền vững vào hoạt động mua sắm, không phụ thuộc vào hoạt động hay qui mô của tổ chức. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các bên liên quan tham gia vào, hoặc chịu tác động bởi các quyết định và quá trình mua sắm. Tiêu chuẩn này là một ứng dụng cụ thể của TCVN ISO 26000, Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội, được bổ sung bằng cách tập trung đặc biệt vào chức năng mua sắm.

TCVN 12874 (ISO 20400) xác định các nguyên tắc của mua sắm bền vững, bao gồm trách nhiệm giải trình, minh bạch, tôn trọng quyền con người và hành vi đạo đức, đồng thời nêu bật các cân nhắc chính như quản lý rủi ro và thiết lập ưu tiên. Bằng cách thực hiện TCVN 12874 (ISO 20400), các tổ chức, doanh nghiệp sẽ đóng góp tích cực cho xã hội và nền kinh tế thông qua việc đưa ra các quyết định mua sắm bền vững và khuyến khích các nhà cung cấp và các bên liên quan khác làm điều tương tự:

Đối chiếu với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc, với mục tiêu 1 và 2 - Xóa nghèo; xóa đói thì đây là tiêu chuẩn sẽ giúp các tổ chức phát triển các thực hành mua sắm bền vững, mang lại lợi ích cho xã hội, khuyến khích hành vi có trách nhiệm xã hội và đạo đức, điều kiện làm việc cho công nhân nông nghiệp và thúc đẩy thực hành mua hàng có đạo đức trong toàn bộ chuỗi sản xuất thực phẩm. Sử dụng tiêu chuẩn sẽ giúp cải thiện giao tiếp giữa các nhà thầu và tất cả các bên liên quan và thúc đẩy mối quan hệ cùng có lợi. Nó cũng sẽ làm hài hòa chức năng mua sắm, giảm rủi ro trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như gián đoạn do thu hồi sản phẩm hoặc lỗi của nhà cung cấp, là công cụ hữu ích để thúc đẩy năng suất, tối ưu hóa chi phí và kích thích sự đổi mới trên thị trường

Đối với mục tiêu 5 - Bình đẳng giới: Bình đẳng giới là thành phần chính của trách nhiệm xã hội, việc trao quyền cho phụ nữ và quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội được nhấn mạnh trong TCVN ISO 26000, Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội. TCVN 12874 (ISO 20400) dựa trên nền tảng của TCVN ISO 26000, dựa trên cùng các nguyên tắc và các chủ đề cốt lõi về quyền con người, thực hành lao động và thực hành kinh doanh công bằng. TCVN 12874 (ISO 20400) sẽ giúp các cá nhân làm việc trong lĩnh vực mua sắm tích hợp các nguyên tắc về trách nhiệm xã hội như được mô tả trong TCVN ISO 26000 trong quá trình mua sắm. Tiêu chuẩn này sẽ giúp giảm tác động đến môi trường, giải quyết các vấn đề nhân quyền.

Tiêu chuẩn về mua sắm bền vững đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc

Đối với mục tiêu 8 - Việc làm tốt và tăng trưởng kinh tế: Tiêu chuẩn này cũng là công cụ cần thiết để thúc đẩy làm việc tử tế, giúp các công ty và tổ chức trên toàn thế giới bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của những người lao động, cũng là công cụ cần thiết để giảm các rào cản đối với thương mại quốc tế, quản lý quan hệ với nhà cung cấp, đồng thời hài hòa chi phí dài hạn và cải thiện hoạt động mua sắm hình thức, từ đó mang lại cho tổ chức lợi thế cạnh tranh

Đối với mục tiêu 10 - Giảm bất bình đẳng: Hoạt động mua sắm của một tổ chức có thể đóng một vai trò quan trọng trong trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn giúp cho các doanh nghiệp và tổ chức có thể hoạt động theo cách có trách nhiệm với xã hội, bao gồm các nguyên tắc không phân biệt đối xử và cơ hội bình đẳng. Các chủ đề và vấn đề cốt lõi được xác định bởi tiêu chuẩn bao gồm thực hành lao động, các vấn đề của người tiêu dùng, tiêu chuẩn giúp cải thiện phúc lợi công cộng trong các lĩnh vực quan trọng như sức khỏe, an toàn và bảo vệ môi trường.

Đối với mục tiêu 12 - Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm:  Tiêu chuẩn này đưa ra các hướng dẫn giúp các tổ chức kết hợp tính bền vững vào chức năng mua sắm của tổ chức, giảm tác động đến môi trường, thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và khuyến khích các quyết định mua hàng có trách nhiệm góp phần vào tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Đối với mục tiêu 16 - Hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh: Xã hội và thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và hòa nhập dựa vào quản trị tốt ở tất cả các cấp, từ các công ty nhỏ đến các công ty đa quốc gia và chính phủ. TCVN 12874 (ISO 20400) cũng sẽ giúp các tổ chức gắn kết tính bền vững vào các quy trình mua sắm, cải tiến các chương trình và hệ thống hiện có, dựa trên kiến thức chuyên môn và thực tiễn tốt nhất.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững. Nhu cầu của chính phủ, doanh nghiệp và xã hội đối với sự bền vững đã phát triển đến mức nó đang trở thành mục tiêu cốt lõi cho nhiều tổ chức. Bằng cách phân tích xem tính bền vững tác động như thế nào đến các các khía cạnh của hoạt động mua sắm, chẳng hạn như chính sách, chiến lược, tổ chức và quy trình. Mua sắm đáp ứng sự đồng thuận toàn cầu và được công nhận trên toàn thế giới. Mặc dù không thay thế các quy định luật pháp, nhưng tiêu chuẩn cung cấp một đường cơ sở để tích hợp hiệu quả các mối quan tâm về tính bền vững đối với hoạt động mua sắm và chuỗi cung ứng.

Hiện nay ở Việt Nam, ngày càng có nhiều doanh nghiệp phấn đấu để hoạt động bền vững, TCVN 12874 (ISO 20400) sẽ là chìa khóa để điều chỉnh các thành tựu và mục tiêu bền vững của họ. Bằng cách sử dụng kỹ thuật mua sắm đúng, tổ chức giờ đây có thể đưa các nguyên tắc bền vững vào quá trình mua sắm theo cách mang lại giá trị đồng tiền. Tiêu chuẩn cũng giúp họ đón đầu các yêu cầu quy định ở hiện tại và tương lai. Khuyến khích áp dụng rộng rãi các thực hành mua sắm bền vững hơn, đưa chúng ta tiến thêm một bước hướng tới một thế giới bền vững hơn.

Mai Thu Phương – VSQI

Tin bài khác